Thứ ba 08/02/2022, 14:42

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương chỉ đạo sản xuất đầu năm và tham gia Tết trồng cây tại huyện Sơn Động

Ngày 8/2, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra, chỉ đạo sản xuất tại huyện Sơn Động. Cùng đi có đồng chí Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị liên quan.

Tiếp và làm việc với đoàn, có các đồng chí: Ngụy Văn Tuyên, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ; Đỗ Văn Cầm, Phó bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện; Hoàng Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí lãnh đạo Thường trực HĐND, UBND huyện cùng một số đơn vị liên quan.

Quang cảnh buổi làm việc.

Theo báo cáo, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm của huyện hơn 7,7 nghìn ha, trong đó diện tịch đất trồng lúa hơn 4,1 nghìn ha, diện tích cây ăn quả gần 2,4 ha, còn lại trồng ngô, khoai, sắn. Để khai thác lợi thế, cùng với phát triển kinh tế rừng những năm qua các địa phương trong huyện tích cực chuyển đổi, phát triển  các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Vải thiều, táo, ổi, cam.

Trong sản xuất nông nghiệp, huyện quan tâm mở rộng diện tích cây trồng vụ động. Cụ thể, vụ đông này, toàn huyện trồng 830 ha, trong đó 135 ha khoai tây chế biến, còn lại là ngô, rau màu các loại.

Năng suất, chất lượng cây vụ động bảo đảm song người dân gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm (trừ khoai tây đã có liên kết). Về hướng phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, huyện có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp, nhất là cây dược liệu, cây ăn quả song chưa được quan tâm đầu tư, thiếu sự liên kết nên sản xuất chỉ mang tính thời vụ, chưa bền vững, sản xuất nông nghiệp của huyện quy mô nhỏ lẻ, tự phát, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa cao, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu ở dạng thô, số lượng sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh còn thấp.

Đồng chí Hoàng Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng chí Hoàng Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện cho biết, nhiệm kỳ này, Huyện uỷ, UBND huyện xác định cùng với kinh tế rừng, địa phương sẽ lựa chọn một số cây trồng mang tính chủ lực, bền vững, cùng với sự phát triển cây ăn quả, địa phương có kế hoạch phối hợp trồng thử nghiệm một số loại cây dược liệu quy mô  lớn; chuyển đổi một phần đất trồng rừng, cây nâu năm, đồi bãi sang các loại cây trồng khác như: Chanh leo, ngải, bơ, táo.

Để thực hiện hoá mục tiêu này, huyện mời gọi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp đến đầu tư, ký hợp đồng liên doanh, liên kết và tiêu thụ nông, lâm sản, nhất là chế biến gỗ xuất khẩu, dược liệu, chăn nuôi; phối hợp các sở, ngành liên quan hỗ trợ huyện trong quá trình xây dựng chuỗi liên kết, phát triển sản xuất các mô hình VietGAP, các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP.

Trao đổi tại buổi làm việc, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia về điều tra, định danh cây dược liệu vùng Tây Yên Tử và sẽ có những đánh giá cụ thể vào cuối năm. Khi đó sẽ có căn cứ, cơ sở để công bố giống đặc trưng của địa phương, làm tiền đề để phát triển vùng sản xuất dược liệu. Về cây trồng nới, Sở đã nghiên cứu, nhận thấy huyện có tiềm năng phát triển cây tràm trà, loại cây thân gỗ, trồng trên đất lâm nghiệp, sau 5 năm trồng có thể khai thác lá, cành chế xuất tinh dầu.

Theo ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, huyện Sơn Động có địa hình chia cắt, đất đai manh mún, thuỷ lợi khó chủ động, việc đưa các loại cây trồng mới vào rất khó nên tập trung vào các loại cây đang có lợi thế như: nâng cao chất lượng, sản lượng cây vải thiều, phát triển mạnh cây vụ đông, nhất là cây khoai tây. Cùng đó tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gà, thực hiện chương trình OCOP.

Về định hướng phát triển, đồng chí Lê Ô Pích nhấn mạnh, mặc dù cây keo đang có thế mạnh song về lâu dài sẽ khiến đất bạc màu, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân. Do đó, huyện cần nghiên cứu, tìm hướng đi phù hợp, vừa khai thác lợi thế, vừa bảo vệ nguồn tài nguyên đất. Trước mắt, địa phương cần làm rõ nguyên nhân vì sao các mô hình đã được triển khai nhưng không thể nhân rộng, quan tâm dồn điền, đổi thửa để hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Lâu dài cần xác định ưu tiên phát triển các loại cây trồng đã có và đang phát huy hiệu quả kinh tế; kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư, định hướng và liên kết.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Ánh Dương đánh giá, Sơn Động có nhiều tiềm năng về đất đai, khí hậu để phát triển các loại cây hàng hoá song chưa có sản phẩm tương xứng với tiềm năng, chưa có sản phẩm chủ lực nào ngoài cây lâm nghiệp. Trong bối cảnh phát triển nông nghiệp chung của tỉnh, huyện cần có quyết tâm mới, không để tụt hậu với các địa phương khác. Đồng chí đề nghị, trong năm nay, huyện cần tập trung đánh giá, tổng kết các mô hình, cây, con đã đưa vào sản xuất, từ đó đặt quyết tâm trong nhiệm kỳ phải tìm được một số cây trồng, vật nuôi chủ lực để người dân làm giàu, thoát nghèo. Trong đó ưu tiên phát triển cây trồng, vật nuôi có khả năng liên kết, có thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; có khả năng ứng dụng khoa học và công nghệ, tạo giá trị vượt trội về sản lượng, chất lượng. Cùng đó phải phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng cũng như trình độ canh tác, khả năng đầu tư của người dân; coi trọng phát triển sản phẩm OCOP, mở chuỗi cửa hàng bán các sản phẩm đặc trưng tại các điểm du lịch.

Đồng chí Lê Ánh Dương tặng hoa chúc mừng cán bộ và nhân dân huyện Sơn Động nhân dịp đầu xuân mới Nhâm Dần 2022.

Đồng chí lưu ý, ngoài cây lâm nghiệp, huyện cần nhanh chóng tìm thêm những cây mới, trước hết cây dược liệu ngắn ngày, dễ trồng, chăm sóc, bảo vệ, giữ diện tích cây vải thiều, phát triển diện tích trồng táo, bơ. Ngay sau buổi làm việc, cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu xây dựng chương trình, lựa chọn các xã điểm để trồng cây chanh leo, làm cơ sở nhân rộng; mạnh dạn xây dựng nhãn hiệu gà Sơn Động. Để người dân đồng thuận làm theo, huyện cần có chính sách khuyến khích DN cùng vào cuộc. Trước mắt, UBND huyện phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp, từ đó tham mưu để UBND tỉnh có cơ chế đặc thù.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương cùng đoàn thăm mô hình sản xuất cây khoai tây tại xã An Lạc.

Trước đó, đoàn kiểm tra mô hình liên kết trồng cây khoai tây tại xã An Lạc, đồng chí Lê Ánh Dương đề nghị huyện, xã có kế hoạch mở rộng diện tích trồng, liên kết với các DN để nâng cao giá trị sản phẩm. Ngay sau vụ khoai tây này, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu nghiên cứu, đưa vào thử nghiệm mô hình trồng đậu tương rau tại xã An Lạc, từng bước chuyển đổi từ 2 vụ lúa, 1 vụ màu/năm sang 1 vụ lúa, 2 vụ đậu tương rau và 1 vụ màu để nâng thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Nhân dịp này, đồng chí Lê Ánh Dương cùng các đại biểu dự lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Nhâm Dần 2022, tại khu du lịch Đồng Cao, xã Vân Sơn.

Chủ tịch UBND tỉnh cùng người dân xã Vân Sơn tham gia "Tết trồng cây" tại khu du lịch Đồng Cao.

Phát biểu phát động tết trồng cây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lê Đức Thắng kêu gọi toàn thể nhân dân hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, phấn đấu mỗi người trồng ít nhất một cây xanh, mỗi thôn, tổ dân phố trồng và bảo vệ ít nhất một rừng cây, hoàn thành chỉ tiêu trồng mới 4.200 ha rừng tập trung và 500.000 cây phân tán trong năm 2022, duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn huyện đạt 77,5%.

Ngay sau lễ phát động, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương cùng các đại biểu trực tiếp trồng 1.700 cây lát, lim tại khu du lịch Đồng Cao.

 Xuân Thoả- Trần Chung


Lượt xem: 218